HỌC LỚP 1 THÀNH CÔNG TỪ NHỮNG CHUẨN BỊ TẠI TIỀN TIỂU HỌC
top of page

HỌC LỚP 1 THÀNH CÔNG TỪ NHỮNG CHUẨN BỊ TẠI TIỀN TIỂU HỌC

Tiểu học là một chặng đường hoàn toàn mới mẻ với bất kỳ một em nhỏ nào. Và lớp 1 là cánh cổng để đi vào con đường ấy, các em bé vừa hết tuổi mầm non đã phải đáp ứng ngay những yêu cầu cao hơn và khó hơn về mọi mặt của sự phát triển, đặc biệt là về kỹ năng vận động tinh, ngôn ngữ và xã hội.


Từ kinh nghiệm của bản thân và qua quan sát trên rất nhiều học sinh tiểu học, tôi nhận thấy một điều rằng rất nhiều trẻ em bắt đầu lớp 1 khi các kỹ năng chưa được chuẩn bị một cách đầy đủ. Sự thiếu chuẩn bị kỹ càng khiến các yêu cầu ở lớp 1 trở nên khó khăn hơn để có thể đạt đến thành công. Quen dần với việc vật lộn, các học sinh năm nhất dễ trở nên thờ ơ với việc học và đánh mất dần niềm vui chinh phục đẩy chúng về phía trước. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc đánh mất động lực và học thiếu hiệu quả ở bậc tiểu học. Và trong đó phải kể đến một trong số những nguyên nhân chính, đó là sự thiếu sự chuẩn bị ở bậc học trước.


Sự thiếu chuẩn bị sẽ khiến cho nền tảng phát triển về tư duy, độ tập trung, kỹ năng viết tay và các kỹ năng xã hội của trẻ bị thiếu vững chắc, và khiến đứa trẻ mất nhiều thời gian hơn vì vừa phải xây dựng các kỹ năng từ đầu và vừa phải chạy đuổi theo các yêu cầu cao hơn từ chương trình học chính thống.

Những thành công ban đầu ở bậc tiểu học là rất quan trọng đối với trạng thái cảm xúc tích cực dành cho việc học của mỗi đứa trẻ, và là chất xúc tác để tạo ra thói quen tự học đầy phấn khích và an tâm. Bởi vậy, sẽ rất tốt nếu con bạn được chuẩn bị các kỹ năng dưới đây trước khi vào lớp 1:


1. Lòng tự tin

Lòng tự tin là một yếu tố quan trọng bậc nhất, quyết định đến 80% độ thành công của một đứa trẻ ở trong bất cứ môi trường nào.


Lòng tự tin sinh ra từ một môi trường nuôi dưỡng và giáo dục đầy tình yêu thương, sự cổ vũ và khuyến khích tích cực để đứa trẻ có thể tự thể hiện bản thân mình với mọi năng lực, phẩm chất hay và không hay của chúng.


Lòng tự tin nảy sinh từ những người lớn am hiểu, chia sẻ, có trách nhiệm và biết yêu thương đến từ gia đình, từ trường mẫu giáo, từ cộng đồng nơi đứa trẻ lớn lên. Có lòng tự tin, đứa trẻ có thêm động lực để chinh phục mọi thứ bên ngoài tầm tay của chúng.


2. Các kỹ năng vận động


Các kỹ năng vận động tinh cần phải được chuẩn bị sẵn sàng để trẻ có thể tiếp nhận một thách thức đỉnh cao trong các thách thức kỹ năng: Viết.


Viết là kỹ năng phối hợp lực gắp của các ngón tay, bàn tay, cổ tay và đôi mắt để định vị và điều chỉnh vận động. Việc chuẩn bị và luyện tập điều khiển và phối hợp các cơ vận động tinh cần phải được thực hiện trong suốt 6 năm đầu đời của trẻ thông qua các kỹ năng cầm nắm đồ ăn (6 tháng), kỹ năng sử dụng bàn tay, ngón tay, cách sử dụng các loại dụng cụ để viết từ to đến nhỏ, kỹ năng sử dụng kéo…


Các kỹ năng vận động thô sử dụng cánh tay, cẳng chân, và toàn bộ cơ thể cũng cần phải được chuẩn bị sẵn sàng để bé trở nên nhanh nhẹn, tháo vát và có thể điều chỉnh phối hợp nhịp nhàng toàn cơ thể.

Từ 6 tuổi, trẻ sẽ vận động nhiều hơn, mạnh hơn, đa dạng hơn và tinh hoa hơn trên nền tảng các kỹ năng vận động thô đã được chuẩn bị sẵn. Trẻ tiếp cận đến các môn thể thao đa dạng và sự vận động chuyên sâu sẽ vừa xây dựng một cơ chế làm việc lành mạnh cho não bộ, sức khỏe dẻo dai và bền bỉ cho cơ thể và vừa hỗ trợ học tập hiệu quả.


3. Các kỹ năng sử dụng ngôn ngữ


Rất nhiều học sinh tốt nghiệp mầm non mà khả năng nói chưa gãy gọn, khả năng dùng từ yếu, việc nói cả câu dài cũng là một khó khăn đối với chúng, chưa nói đến việc phải dùng ngôn ngữ để tranh luận và thuyết phục người khác.


Điều này gây ra nhiều khó khăn cho trẻ khi phải đáp ứng các yêu cầu ngày càng khó của các giờ học tiếng Việt. Đó là lý do vì sao mỗi học sinh trước khi vào lớp 1 cần phải được chuẩn bị những cấp đơn giản đầu tiên của kỹ năng sử dụng ngôn ngữ nói.


Lớp 1 cũng là nơi mọi thứ thay đổi, phương pháp học mà chúng ta đang áp dụng đại trà tại các cấp phổ thông là phương pháp học thông qua nghe, có nghĩa là cô giáo giảng bài, học sinh nghe và hiểu.


Do đó, kỹ năng nghe phản ánh cần phải được chuẩn bị đầy đủ để đảm bảo rằng trẻ có thể hiểu được và nắm được các thông tin bằng cách sử dụng đối tai và khả năng tư duy của bộ não.


Kỹ năng đọc được xác định là bắt đầu xây dựng từ lớp 1. Tuy vậy, để hành trình của mỗi đứa trẻ trở nên tối ưu hơn, thì việc chuẩn bị cho trẻ nhớ thụ động bằng chữ cái và các quy tắc ghép vần và phụ âm là một điều cực kỳ quan trọng.

Những điều này chúng ta hoàn toàn có thể giúp trẻ nắm bắt từ những năm vàng trong khoảng thời gian 0-6 tuổi, khi trí nhớ của đứa trẻ hoạt động mạnh gấp 3 lần một sinh viên đại học thông thường. Tuy vậy, việc chụp hình thụ động chữ theo một số phương pháp học như Glen Doman lại không mang lại ưu thế cho trẻ khi bước vào lớp 1 và học đọc theo cách tiếp cận cấu tạo thành tố.


4. Nhóm kỹ năng tư duy


Kỹ năng tư duy cần được xây dựng và hình thành từ suốt 6 năm đầu đời của trẻ thông qua việc kết nối các thông tin nhận thức đơn lẻ và kết hợp chúng theo các cách tổ hợp khác nhau để dẫn những suy luận đơn giản đầu tiên.

Sự lặp lại và chuẩn bị có mục đích cho các kỹ năng tư duy là để trẻ có thể dần dần đạt đến những bậc cao hơn trong suy nghĩ và sâu hơn trong việc tìm hiểu về vấn đề, cũng như rộng hơn về độ phủ của vấn đề mà mình gặp phải.


Kỹ năng logic cơ bản từ toán học: Để giúp trẻ có thể dễ dàng thành công với môn toán ở bậc tiểu học, thì trước khi vào lớp 1, nhất định cần biết đếm chính xác, và có khả năng ghép đôi hai khái niệm “số lượng” và “chữ số”. Số lượng là nhìn thấy được, và chữ số là một khái niệm biểu tượng trừu tượng hơn.


Thực tế là nhiều trẻ em gặp rất nhiều khó khăn khi ghép đôi khái niệm và tư duy chúng “là một”. Bên cạnh đó các phép tính đơn giản thêm bớt số lượng hoặc cộng trừ trên chữ số dưới 10, hoặc các quy tắc, quy luật theo nhóm, cũng là những yếu tố mang tính quan trọng để trẻ có thể sẵn sàng với môn toán ở bậc tiểu học.


Kỹ năng tư duy đa chiều cũng là một trong những kỹ năng cần và có thể dạy cho trẻ từ 6 năm đầu đời và thông thường nó được dạy qua những tình huống phong phú, đặc biệt là những ca kỷ luật tích cực ở lớp và ở nhà hoặc các giờ học mang tính thảo luận về các vấn đề xã hội ở các phạm vi phù hợp với trẻ.


5. Nhóm kỹ năng cảm xúc

Cảm xúc là một phương diện phát triển ở trẻ em vốn không được quan tâm một cách đúng cách và đầy đủ. Trong một thời gian rất dài cùng đứa trẻ lớn lên, người lớn (bố mẹ, cô giáo và những người xung quanh) thường bị đánh lạc hướng bởi những biểu hiện cảm xúc mà quên đi mất rằng phía sau của những biểu hiện cảm xúc đó là những vấn đề quan trọng cần được giải quyết triệt để.


Các cảm xúc của trẻ sinh ra do sự rối loạn về các điều kiện đáp ứng nhu cầu tính khí và sinh lý bẩm sinh. Mỗi một đứa trẻ mang những đặc điểm tính khí, sinh lý khác nhau, tốc độ phát triển và khuynh hướng phát triển khác nhau. Nhưng do thiếu sự hiểu biết sâu sắc về trẻ, nhiều phụ huynh, và thậm chí là cả các giáo viên có khuynh hướng đổ đồng và dùng một cách tiếp cận giống nhau cho rất nhiều đứa trẻ khác nhau.


Việc tiếp cận sai cách đối với mỗi một cá thể trẻ em đặc thù dẫn đến việc tạo ra những ức chế mang tính tích lũy, gây ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển cảm xúc lành mạnh của trẻ.


Ngược lại, với mỗi đứa trẻ được tiếp cận đúng với nhu cầu và khuynh hướng của chúng, chúng trở nên ổn định, thoải mái và dần dần hình thành những kỹ năng cảm xúc và trí tuệ cảm xúc, những kỹ năng này sẽ thật sự phát huy tác dụng mạnh mẽ của nó khi trẻ bắt đầu hoàn thành hết giai đoạn mầm non để bước vào lớp 1.

  • Lòng tự tin

Lòng tự tin là yếu tố quan trọng mang tính quyết định đối với quá trình học tập đầy thách thức bắt đầu từ tiểu học cũng như các mối quan hệ và cách thức tương tác xã hội trong môi trường rộng hơn, và không gần gũi như giai đoạn 6 năm đầu đời.


Có lòng tự tin, trẻ dễ dàng thể hiện bản thân và học hỏi một cách mạnh dạn, hiệu quả. Đồng thời, lòng tự tin sẽ giúp cho trẻ vượt qua các thách thức mới tốt hơn, và giải quyết tốt hơn các vấn đề phát sinh trong quá trình học tập và trưởng thành.

  • Trí tưởng tượng

Trí tưởng tượng có tầm quan trọng đặc biệt đối với quá trình học hỏi và ứng dụng thực tiễn các kỹ năng và kiến thức được trang bị trong nhà trường. Những đứa trẻ có trí tưởng tượng phong phú thường dễ dàng có những kỹ năng tư duy kết nối mạch lạc, sáng tạo và khác biệt.


Trí tưởng tượng chính là cây cầu nối những gì trẻ đã biết với những thử nghiệm thực tế phong phú và giúp cho trẻ liên tục thử, sai, đưa ra giả thuyết, thử lại và phân tích, tổng hợp trên những dữ liệu thu thập được. Trí tưởng tượng đồng thời sẽ giúp trẻ có năng lực thể hiện tốt hơn bằng ngôn ngữ và hình ảnh, và cao hơn nữa là thể hiện thông qua việc phối hợp các kỹ năng ngôn ngữ (nghe, nói, đọc, viết).


Khi các kiến thức được áp dụng trên nền tảng trí tưởng tượng phong phú, nó sẽ giúp tăng hiệu quả ghi nhớ và ứng dụng, giúp học sinh giảm thiểu thời gian luyện tập mà vẫn đạt được mục tiêu học tập một cách tốt nhất.

  • Niềm vui học

Niềm vui học cũng là một yếu tố xúc cảm để thúc đẩy quá trình kiến tạo kiến thức và rèn luyện kỹ năng từ lớp 1. Hãy tưởng tượng xem nếu bạn học một thứ gì đó mà không cảm thấy vui và thích, thì việc học sẽ nặng nề và khó khăn đến mức nào.


Đa phần chúng ta sau 30 tuổi, sẽ không học được tốt nữa, vì khi ấy chúng ta không còn tìm thấy niềm vui trong việc học. Và những đứa trẻ thì còn hơn cả như thế. Chỉ khi chúng được cảm thấy phấn khích, cảm thấy vui và hạnh phúc, thì lúc ấy việc học mới thật sự dễ dàng và đi vào đúng bản chất của nó.


Chương trình học phổ thông của Việt Nam được đánh giá là nặng so với thế giới về mặt kiến thức, để đảm bảo rằng những kiến thức đó đọng lại được trong tư duy, nhận thức và trí nhớ của đứa trẻ thì việc tạo ra niềm vui học là một điều nên tính đến, để giảm bớt sức ép của việc học và tăng hiệu quả học tập cho từng học sinh.


Niềm vui học sẽ tạo ra động lực để mỗi đứa trẻ tự đi về phía trước, tự nghiên cứu và tìm tòi, tự phát triển bản thân mình xa hơn cả giới hạn chương trình giáo dục phổ thông.


6. Nhóm kỹ năng xã hội


Kỹ năng xã hội là nền tảng vững chắc để trẻ có thể thích nghi với môi trường xã hội rộng lớn và tìm cách định vị bản thân cũng như tự tìm giải pháp để giải quyết các vấn đề cá nhân của mình.


Nếu các nhóm kỹ năng tư duy, kỹ năng cảm xúc là cánh cửa để trẻ tự khám phá và khai thác năng lực của bản thân mình thì nhóm kỹ năng xã hội là cánh cửa để trẻ chinh phục các mối quan hệ xã hội và giúp trẻ định vị bản thân mình một cách tích cực trong môi trường tiểu học.

Sự định vị bản thân tích cực sẽ giúp cho trẻ có cảm giác hòa nhập, thoải mái, và được chấp nhận với tất cả những sự đặc biệt của bản thân. Điều này ngược lại lại có tác động gia tăng thêm lòng tự tin và hiệu quả học tập cho trẻ.


Để có thể bắt đầu lớp 1 thành công, mỗi đứa trẻ đều cần được chuẩn bị đầy đủ:

  • Khả năng làm theo hướng dẫn

  • Khả năng tập trung

  • Khả năng chờ lượt

  • Khả năng tự chủ và tự kiểm soát bản thân

  • Khả năng giải quyết vấn đề bằng ngôn từ hơn là bạo lực

  • Khả năng làm việc độc lập

  • Khả năng làm việc tốt trong nhóm

  • Các kỹ năng xã hội phù hợp với lứa tuổi và khả năng kết bạn

  • Kỹ năng giao tiếp với bạn đồng lứa

  • Kỹ năng giao tiếp với người lớn

Ngoài ra còn có một số kỹ năng xã hội quan trọng mà mọi đứa trẻ cần có để bắt đầu chặng đường tiểu học một cách thoải mái và thành công.

  • Tinh thần trách nhiệm

Tinh thần trách nhiệm được xây dựng từ những hoạt động sống hàng ngày của trẻ, đơn giản như có trách nhiệm tự chăm sóc bản thân, ý thức sạch sẽ gọn gàng sau khi chơi, trách nhiệm với cơ thể và sự an toàn của bản thân, trách nhiệm với gia đình và cộng đồng xã hội, trách nhiệm tuân thủ quy định và nội quy của tập thể.


Tinh thần trách nhiệm giúp trẻ hòa nhập dễ dàng hơn vào môi trường lớp học với tư cách một cá nhân độc lập và ý thức được vai trò của bản thân đối với việc xây dựng một tập thể tích cực, kỷ luật, vui vẻ và sẻ chia.

  • Biết chấp nhận và dung hòa sự khác biệt của bản thân và người khác.

Có rất nhiều đứa trẻ sợ hãi sự khác biệt của chính bản thân mình, điều đó kéo chúng vào sâu hơn trong căn nhà vỏ ốc, và vô hình chung khiến đứa trẻ ngày càng mất tự tin. Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy sắc màu, và mỗi con người đặc biệt đóng góp thêm một sắc màu đặc biệt cho thế giới rực rỡ ấy. Ý thức về sự khác biệt tích cực của bản thân là một trong những ý thức xã hội quan trọng của những công dân toàn cầu.


Bởi vậy trong suốt quá trình 6 năm đầu đời, mỗi đứa trẻ cần được hỗ trợ để học cách yêu quý cơ thể của mình, trân trọng những sự khác biệt về tính cách, suy nghĩ và nhận định của bản thân một cách tích cực. Khi ý thức này được duy trì trong một thời gian đủ dài, trẻ sẽ phát triển được thói quen chấp nhận và dung hòa sự khác biệt của bản thân và người khác.


Tuy nhiên, những đứa trẻ càng đặc biệt càng cảm thấy mình khó hòa nhập vào môi trường xung quanh bởi chúng tự nhận thấy mình quá khác so với chúng bạn.


Chúng suy nghĩ nhanh hơn hoặc chậm hơn, dễ mất tập trung hơn hoặc có nhu cầu thể hiện bản thân mạnh hơn, chúng bày ra nhiều trò nghịch ngợm hơn vừa để giải tỏa năng lượng, giải tỏa ham muốn tìm tòi, vừa để gây sự chú ý với những người khác, chúng thách thức nhiều hơn và gặp trở ngại nhiều hơn, chúng dễ bị tổn thương hoặc dễ thay đổi hơn. Thông thường, chúng ta có khuynh hướng so sánh với những người khác và chỉ thực sự cảm thấy thoải mái khi người khác có điểm không bằng mình.


Tuy nhiên khuynh hướng so sánh này khiến cho những đứa trẻ mất tự tin vào những sự khác biệt của bản thân, và bởi vậy không tận hưởng được chuyến du hành khôn lớn của chính mình. Và thông thường thì sự khác biệt luôn là chỉ báo của những điều đặc biệt, những thứ cần có sự chú ý hoặc can thiệp từ phía bên ngoài.


Khi đứa trẻ biết chấp nhận và dung hòa sự khác biệt của bản thân, thế giới của chúng sẽ trở nên hài hòa giữa nhu cầu và khuynh hướng, giữa vấn đề và giải pháp, và chúng có cách để tự giải quyết các vấn đề găp phải một cách dễ dàng hơn. Chấp nhận sự khác biệt của bản thân và tôn trọng sự khác biệt của người khác là chìa khóa để mọi đứa trẻ bước ra thế giới, một cách độc lập và linh hoạt.


Tinh thần trách nhiệm được xây dựng từ những hoạt động sống hàng ngày của trẻ, đơn giản như có trách nhiệm tự chăm sóc bản thân, ý thức sạch sẽ gọn gàng sau khi chơi, trách nhiệm với cơ thể và sự an toàn của bản thân, trách nhiệm với gia đình và cộng đồng xã hội, trách nhiệm tuân thủ quy định và nội quy của tập thể. Tinh thần trách nhiệm giúp trẻ hòa nhập dễ dàng hơn vào môi trường lớp học với tư cách một cá nhân độc lập và ý thức được vai trò của bản thân đối với việc xây dựng một tập thể tích cực, kỷ luật, vui vẻ và sẻ chia.


Chia sẻ bởi cô Ngô Thanh Giang - Người sáng lập, Cố vấn giáo dục cao cấp tại Jean Piaget dành cho các bố mẹ có con trong độ tuổi Tiền tiểu học.

65 lượt xem0 bình luận
bottom of page