Kỹ năng viết tay là một trong những kỹ năng bắt buộc học sinh cần thành lập hoàn chỉnh trong năm học lớp 1. Đây cũng là kỹ năng được chú trọng rèn luyện ở Jean Piaget với cả học sinh thuận thay trái và tay phải.
Vậy tại sao kỹ năng viết tay lại quan trọng như vậy? Mời các bố mẹ cùng đọc bài viết về Kỹ năng viết tay ở tiểu học dưới đây để hiểu và đồng hành đúng cách cùng con nhé.
TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC DẠY TRẺ HỌC VIẾT
Các nghiên cứu giáo dục đã chỉ ra những bằng chứng rằng những học sinh không thể viết tay một cách rõ ràng dễ đọc là những học sinh gặp khó khăn nghiêm trọng trong việc học. Sự thiếu hụt kỹ năng này sẽ để lại hậu quả ở các cấp học sau, khi giáo viên không thể đọc được những câu trả lời dạng viết một cách chính xác. Một bức thư xin việc khó đọc cũng có thể là nguyên nhân trực tiếp của việc không được tuyển dụng. Thêm vào đó, cần phải hiểu rằng chữ viết tay rõ ràng và đẹp đẽ là một công cụ quan trọng để giao tiếp hiệu quả và thể hiện bản thân.
Kỹ năng viết tay rõ ràng, đẹp mắt là rất quan trọng đối với mọi lĩnh vực học tập của trẻ:
Chữ viết tay là một công cụ để lưu trữ dữ liệu cho trí nhớ trong diễn tiến của một sự kiện hoặc một công việc nào đó.
Chữ viết tay là cần thiết để thực hiện hiệu quả các hoạt động như ghi chép trên lớp, làm bài kiểm tra, trả bài tập được giao.
Kỹ năng viết tay là một yêu cầu bắt buộc đối với nhiều ngành nghề.
Chính tả viết tay chính xác có liên hệ với các thành công của học sinh trong việc học đọc hiểu và đánh vần.
Danh sách sau đây mang lại cho những người đồng hành của trẻ nhỏ những gợi ý và kỹ thuật cần thiết để đảm bảo trẻ có những trải nghiệm viết tay thành công:
Giờ tập viết ngắn: Để trẻ giữ được động lực, người đồng hành nên để giờ tập viết diễn ra trong khoảng từ 10-15 phút mỗi lần.
Giám sát gần: hãy theo sát học sinh và sửa lỗi ngay khi bắt đầu vì sẽ rất khó để bạn có thể dạy học sinh bỏ những thói quen xấu khi cầm bút.
Dạy học sinh nối các chữ với nhau. Viết nét cong đòi hỏi phải có sự kết nối giữa các chữ cái. Đừng bao giờ dạy các chữ cái rời rạc. Ngay khi học sinh có thể viết một chữ cái hãy dạy trẻ cách kết nối và viết liên tục chữ này một vài lần. Ngay khi học sinh biết một vài chữ cái, hãy hướng dẫn trẻ thực hành viết từ được đánh vần từ những chữ cái đó.
Đệm cầm bút chì: sử dụng đệm cầm bút chì cho những học sinh gặp khó khăn khi phải nhớ cách cầm bút thế nào.
Dùng bút chì ngắn: Sử dụng bút chì dài khoảng 5-6cm là vừa đủ. Bút chì ngắn sẽ giúp những bàn tay nhỏ cầm bút đúng và dễ hơn.
Sử dụng các công cụ viết cỡ lớn: Phấn vẽ đường, bút sáp cỡ lớn hoặc bút chì to-và-ngắn để giúp trẻ có nhiều kiểm soát trong quá trình tập viết hơn.
Từ từ định hướng trẻ đến tốc độ viết: Mặc dù viết rõ ràng đẹp mắt là mục tiêu, học sinh vẫn cần phải tập kiểm soát tốc độ viết để kỹ năng viết tay của mình trở nên hiệu quả.
Phong cách riêng: Khi học sinh đã nắm được kỹ năng viết tay đẹp mắt và dễ đọc với cấu tạo chữ chính xác và khoảng cách giữa các chữ cái đủ đúng, khuyến khích trẻ tự phát triển phong cách cá nhân của mình trên nét chữ của chính mình.
Giữ tư thế đúng: chân đặt trên sàn, và mặt bàn cần ở tầm cao đủ để cánh tay và khuỷu tay có thể đặt một cách thoải mái. Mắt cá chân, hông và đầu gối vuông góc với nhau. Nếu ghế quá cao, hãy đặt một vật đệm dưới chân trẻ.
Cầm bút đúng: Bút chì cần được cầm giữa đệm ngón tay cái và ngón tay trỏ, và tựa vào ngón tay giữa. Một cách cầm bút đúng khác là ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa cầm bút, và tì lên ngón tay áp út.
Đặt giấy: Giấy được đặt song song với cánh tay của tay thuận và chéo khoảng 45 độ. Tay trái giữ giấy.
ĐỐI VỚI HỌC SINH THUẬN TAY TRÁI
Học sinh thuận tay trái gặp nhiều trở ngại hơn trong việc học viết. Đầu tiên, ngôn ngữ viết theo hệ ký tự latin yêu cầu chúng ta viết từ trái sang phải giống như cách đọc. Hướng viết này cho phép những người thuận tay phải kéo bút đi xa khỏi cơ thể và di chuyển nhanh chóng trên trang giấy. Những người viết tay trái thì phải “đẩy” bút chì khi cánh tay di chuyển về phía và qua cơ thể. Nhiều người thuận tay trái cầm bút ở tư thế “móc câu” khi họ viết. Tư thế móc câu này thường xảy ra vì những chữ được viết ra sẽ bị che lấp bởi tay viết, và họ cố gắng không làm nhòe bài viết của mình. Cách viết thế này không đúng, và tạo ra sự khó chịu về mặt cơ thể vật lý, và có thể gây ra nét chữ xấu, khó đọc. Học sinh thuận tay trái cần được DẠY viết một cách cẩn thận, đặc biệt cần chú ý đến những khác biệt đặc biệt khi viết bằng tay trái.
Tư thế đúng: giống như học sinh thuận tay phải
Cầm bút đúng: bút chì cần được cầm giữa đệm ngón tay cái và ngón tay trỏ và tì vào ngón giữa, khoảng 2cm-3.8cm tính từ đầu nhọn của bút chì.
Đặt giấy: Giấy đặt nghiêng khoảng 20% sang bên phải – tuy nhiên tùy vào từng học sinh, độ nghiêng này có thể thay đổi để học sinh cảm thấy thoải mái khi viết.
Vị trí cánh tay, cổ tay và bàn tay: Cổ tay cần phải giữ thẳng và đặt dưới dòng viết. Cánh tay song song với hướng giấy.
Chữ nghiêng: Chữ nghiêng thường hơi khó đối với các học sinh thuận tay trái. Đối với những người viết tay trái, chữ thẳng hoặc nghiêng trái sẽ dễ viết hơn.
- Bài viết này được cô Ngô Thanh Giang - Cố vấn giáo dục cao cấp tại Jean Piaget lược dịch từ cuốn sách Cursive Writing for Right and Left Handed Kids - Effective Development Approach for All Children, Sherrill B.Flora, Key Education Publishing Company, LLC -
Comments